Làng tre đan Ninh Sở
Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, làng nghề Ninh Sở cũng là một trong những điểm không thể bỏ qua khi tôi tìm hiểu về sản phẩm mây tre đan truyền thống của Việt Nam.
Từ lâu, làng Ninh Sở đã nổi tiếng gần xa với những sản phẩm mây tre thiên về đồ gia dụng như rổ, rá, giỏ tre,... Ngay khi bước vào làng, tôi dễ dàng bắt gặp những chuyến xe đang chở các sản phẩm đi xuất khẩu. Được sự chỉ dẫn của người dân xung quanh, tôi tìm đến cơ sở đang sản xuất đồ mây tre đan và được nói chuyện trực tiếp với những thợ thủ công lành nghề nơi đây.
Theo như cô chú trong xưởng chỉ sẻ, cả làng chủ yếu tập trung làm hàng để xuất khẩu vì giá trị cao, hầu như làng không mấy ai làm nghề nông nữa. Vì được coi là nghề chính nên việc sản xuất mây tre tại Ninh Sở rất tập trung. Sau khi tre được sơ chế, sẽ có người xử lý, vót nan để chuyển sang đan thành các sản phẩm khác nhau rồi chuyển về khu tập kết để đóng chuyển đi các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ...
Theo như câu chuyện được anh Mạnh - một chủ cơ sở sản xuất lớn trong làng mà tôi có dịp gặp mặt đã chia sẻ thì công đoạn đầu tiên là chọn nguyên liệu rất quan trọng. Cây mây, cây tre phải ưu tiên chọn những cây đều, dài để khi chẻ và đan mới đạt yêu cầu. Thông thường để có độ dài từ 1m - 2m thì cây phải được trồng 5 năm mới thu hoạch được. Vì nguyên liệu ban đầu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm sau này. Anh nhấn mạnh kinh nghiệm chọn nguyên liệu do cha ông truyền lại: “Cây non quá thì sản phẩm dễ mốc, cây già quá sẽ bị xơ, lúc đan sản phẩm sẽ không đẹp mắt ”.
Cách chẻ nan tre cũng là một điểm khác biệt của các sản phẩm mây tre đan Ninh Sở. Theo chị Lựu - vợ anh Mạnh, cũng là một thợ đan chính trong xưởng kể lại: “Tùy theo từng sản phẩm mà có cách chẻ nan nghiêng hay chẻ nan lột; nan lúc thì được chẻ thành ống tròn, khi thì lại mỏng như tờ giấy sao cho phù hợp.”
Các sản phẩm của làng Ninh Sở chủ yếu được hoàn thiện bằng tay, ít có sự can thiệp của máy móc để tránh nan bị dập và xơ do sức máy không lựa linh hoạt được như tay người.
