Làng ông Hảo

Với tình yêu các sản phẩm thủ công xưa, Trại Cá không thể bỏ qua làng Ông Hảo - một làng nghề còn duy trì nghề làm mặt nạ giấy bồi thủ công tại Hưng Yên. Và nhân dịp sắp đến Trung Thu, hãy cùng về tận nơi và tìm hiểu về những chiếc mặt nạ truyền thống nơi đây.

Cách Hà Nội chưa đầy 1 giờ lái xe, làng Ổng Hảo thuộc tỉnh Hưng Yên là một trong những nơi vẫn duy trì nghề làm đồ chơi Trung Thu truyền thống, nổi bật nhất là những chiếc mặt nạ giấy bồi được vẽ tay thủ công rất sống động.

Bước vào cổng làng, tôi dễ dàng nhìn thấy những điều nổi bật để thể hiện sản phẩm truyền thống do làng làm ra. Với tấm biển quảng cáo về cơ sở sản xuất Đông Hạnh, chuyên mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử và trống đồ chơi, hỏi thêm chủ của những gian hàng đang trưng bày những chiếc mặt nạ màu sắc, chúng tôi được chỉ dẫn vào tận xưởng để thăm quan quy trình sản xuất.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến xưởng sản xuất lớn của ông Đông - một nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi có tiếng và nhà ông đã theo nghề này tính đến nay đã ba đời rồi. Xưởng của ông Đông làm mặt nạ theo cách thủ công tất cả các công đoạn. Bắt đầu từ đổ khuôn xi măng, bồi thôi bằng giấy mộc, phơi khô, cắt viền cuối cùng mới đến sơn màu.

Ổng Đông chia sẻ, công đoạn khó nhất là vẽ tạo hình để làm sao cho chiếc mặt nạ phải có hồn. Vậy nên, bước vẽ tạo hình ông Đông đã chính tay vẽ cho chúng tôi xem thật cẩn thận và tỉ mỉ từng khóe mắt, nụ cười trên chiếc mặt nạ hình Thị Nở để dễ hình dung.

Ngày nay, mẫu mã mặt nạ khá đa dạng, từ chiếc mặt nạ nhân vật dân gian như: chú Tễu, thằng Bờm, ông ĐỊa, thị Nở,... Cho đến những nhân vật thần thoại được trẻ em yêu thích như: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới,... Mặt nạ sau khi vẽ xong sẽ được đem đi sơn phủ bóng để giữ màu. Mỗi tháng ông và vợ cùng làm cùng lắm cũng chỉ được hơn hai chục cái. 

Nhờ chuyến hành trình lần này, chúng tôi vừa có dịp được nhìn tận mắt quy trình làm ra một chiếc mặt nạ giấy truyền thống và vừa có cơ hội được tận tay vẽ nên những chiếc mặt nạ cho riêng mình.

Previous
Previous

Làng tre đan Phú Túc

Next
Next

Làng tre đan Ninh Sở