Làng tre đan Phú Túc

Các sản phẩm mây tre đan có lẽ không xa lạ với nhiều người, nhưng các sản phẩm gia dụng thủ công làm bằng cỏ tế dù không xa lạ nhưng lại ít người hiểu rõ về nó. Vậy nên, hãy cùng Trại Cá về thăm làng Phú Túc - nơi nổi tiếng với nghề đan cỏ Tế truyền thống.

Đến thăm làng Phú Túc bây giờ, nơi đây hiện đang là một điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của huyện Phú Xuyên. Chúng tôi vào làng và dạo quanh thăm quan một vòng trước khi dừng lại hỏi thăm một cơ sở đang sản xuất các sản phẩm cỏ Tế trong làng.

Theo như tìm hiểu về sản phẩm, cỏ Tế ( hay còn gọi là guột Tế)thuộc họ dương xỉ, thường mọc ở các khu rừng vùng núi phía Bắc hay một số tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở ra. Nghệ nhân của làng chia sẻ việc đan cỏ Tế gần giống như đan mây tre, nhưng cỏ Tế lại có nhiều ưu điểm hơn so với nan mây tre. 

Sợi cỏ Tế có màu đỏ nâu tự nhiên rất đẹp, đặc tính cỏ mềm và dẻo dai nên dễ tạo dáng theo mong muốn và các sản phẩm làm ra có độ bền cao. Nhìn các cô chú nghệ nhân chẻ những cây cỏ Tế đã được phơi nắng cho khô, họ nhấn mạnh những cây cỏ Tế này tùy vào sản phẩm, chi tiết cần đan mà chẻ cho vừa kích thước, đồng thời phải chọn lựa cho cho loại cỏ Tế đan cùng nhau phải có cùng màu sắc và độ dẻo dai để tạo sự đồng đều cho sản phẩm.

Có đến tận nơi để xem thì mới thấy được đôi bàn tay thoăn thoắt khéo léo tạo nên các sản phẩm cỏ Tế ra sao. Có thể nói, các sản phẩm của làng Phú Túc khá đa dạng và rất được khách hàng cả trong và ngoài nước ưa chuộng. Vì đã quen với việc xuất khẩu, nên các công đoạn được chuyên môn hóa hơn, có nhà chỉ chẻ vót hoặc chuyên đan, sau đó nguyên liệu hoàn thiện sẽ được tập trung để hoàn thiện sản phẩm. 

Có thể thấy làng nghề tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ làm nghề. Theo như người dân địa phương, nhờ có nghề này mà kinh tế của làng khởi sắc hơn.

Tôi được giới thiệu đến gặp ông Thông - một trong những nghệ nhân già hiếm hoi đã sáng tác ra nhiều mẫu mã, con giống rất sinh động. Ông kể rằng bản thân từng được phong là nghệ nhân nhưng vì không có xe máy nên ông không đi nhận được. Ông Thông kể lại trước đây cả làng chỉ sản xuất các mặt hàng gia dụng, đồ nông nghiệp, nhưng sau khi sáng tạo nhiều mẫu mã đa dạng hơn và được khách hàng đón nhận thì làng nghề đã phát triển để tạo ra mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

Previous
Previous

Làng tre đan Phú Vinh

Next
Next

Làng ông Hảo