Làng tre đan Phú Vinh
Có dịp về thăm ngôi làng cổ Phú Vinh, Trại Cá tìm đến nhà nghệ nhân gia đình nghệ nhân Trần Bá Khá - người nổi tiếng với chiếc lồng bàn mây tre được đan thủ công độc đáo. Cùng với đó là tìm hiểu nhiều hơn về câu chuyện nghề tre đan truyền thống nơi đây.
Không khó để tìm thấy làng nghề Phú Vinh, mới đi từ ngoài đường lớn đã có biển hiệu chỉ dẫn “Điểm du lịch văn hóa làng nghề truyền thống Phú Vinh”. Không chỉ giới hạn ở làng Phú Vinh, mà nghề mây tre đan đã phát triển và lan rộng khắp ra huyện Chương Mỹ. Vì lẽ đó, ở đây còn rất nhiều làng cũng sản xuất mây tre đan, nhưng tùy từng khu vực mà chuyên về 1 mặt hàng.
Đi vào làng Phú Vinh, ngôi làng vắng vẻ thưa thớt vào buổi sáng, đa số mọi nhà đều đóng cửa, mất một lúc hỏi thăm vài người dân xung quanh nhưng cũng không thu được thông tin gì có ích. Tôi quyết định quay lại chợ, may mắn được 1 cô bán tạp hóa cũng có làm nghề và được cô dẫn về nhà thăm quan. Tại đây chúng tôi gặp anh Thăng - chồng cô, chuyên làm các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu.
Có sự nhiệt tình hướng dẫn của anh Thăng chúng tôi mới có những hiểu biết kỹ hơn về làng nghề Phú Vinh. Tại đây có rất nhiều nhà làm mây tre đan, tuy nhiên vẫn chỉ là cơ sở nhỏ lẻ, chưa có nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm của làng.
Theo anh nói, tường các sản phẩm sẽ được sản xuất từ các nhà làm nghề, sau đó tập trung tại một nơi gọi là “cai”, ở đây có 1 cái kho lớn để tập trung hàng xuất đi nước ngoài. Đặc trưng của các mặt hàng mây tre đan Phú Vinh là được làm với chất lượng tốt với giá không hề rẻ.
Có thể nói, làng nghề hiện giờ đang phát triển tốt, nhiều người theo nghề vì mức thu nhập ổn định và có nhiều đơn hàng. Nhất là các sản phẩm của làng đã có thương hiệu nên được khách rất ưa chuộng.
Anh Thăng còn dẫn chúng tôi tới nhà 2 nghệ nhân có tiếng là vợ chồng bà Nguyễn Thị Tiến và ông Trần Văn Khá. Đây là 2 nghệ nhân làm ra những chiếc lồng bàn độc đáo nhất. Một điều may mắn cho chúng tôi vì đã có dịp chiêm ngưỡng và tận tay cảm nhận chiếc lồng bàn nổi tiếng của 2 nghệ nhân.
Đây là những chiếc lồng bàn đẹp tuyệt vời mà lần đầu tiên tôi được thấy vậy nên chúng tôi đều không khỏi sửng sốt khi ngắm nhìn. Giá của chiếc lồng bàn lớn khoảng 12 triệu, 3 chiếc nhỏ hơn đồng giá 6 triệu 1 cái. Bà Tiến kể bà đã học đan lát từ nhỏ nhưng giai đoạn chiến tranh thì bỏ nghề, đi học sư phạm và dạy học. Chồng bà là bác Khá đi bộ đội, thời gian đó một mình bác Tiến nuôi 4 con nhỏ, lương dạy học không đủ nên bà nghĩ cách thử làm lại nghề để kiếm thêm thu nhập. Nhờ đôi tay khéo léo và óc sáng tạo, bác nhanh chóng trở thành nghệ nhân đan nổi tiếng trong làng.
Vào những năm 82-83, dân làng gọi vui bác là kiện tướng đan vì bác sáng tạo ra nhiều kiểu đan mới. Sau đó khi ông đi bộ đội về thì cùng bà đan lát. Bác Khá có cách vót sợi mấy trở nên cực mỏng chỉ bằng ông 1 dụng cụ đơn giản để đan nên các chi tiết rất tinh tế.
Hiện nay 2 bác tập trung chuyên làm lồng bàn với những đường nét cực kỳ đẹp và tỉ mẩn. Giá của các sản phẩm cũng là do khách hàng định ra vì nể phục tay nghề của 2 bác. Nếu tập trung, mỗi chiếc lồng bàn cần ít nhất 3 tuần để hoàn thiện.
Do tuổi tác đã cao, nên 2 bác rất mong truyền nghề cho con cháu, con cái họ đều đang chăm chỉ học và rèn luyện sao cho tay nghề được như 2 bác.
















