Làng gốm Kim Lan
Nằm gần làng gốm Bát Tràng, Kim Lan cũng là một trong những làng nghề có truyền thống làm gốm từ thời Thăng Long xưa. Để tìm hiểu về nghề gốm nơi đây, Trại Cá đã tìm đến và thăm quan tận mắt những sản phẩm và nghệ nhân tại làng Kim Lan ngày nay.
Chỉ cách làng Bát Tràng 1 cây cầu hơn chục mét nhưng cái tên làng gốm Kim lan không được biết đến rộng rãi. Khi vào làng, tôi chậm rãi đi dạo trên con đường làng khang trang để ngắm nhìn những cơ sở sản xuất ngói, ang, chậu,... đa phần nơi đây làm nên những sản phẩm gốm xây dựng hoặc đồ gia dụng có kích thước lớn.
Đi sâu vào làng, ngay trung tâm có một bảo tàng gốm nơi trưng bày các cổ vật gốm được khai quật từ xưa.
Theo những người bản địa hướng dẫn, tôi đến thăm cô chú Đào Văn Tuấn và Nguyễn Thị Hương - chuyên sản xuất các loại chậu gốm trồng cây với các loại men như men lươn, men trắng và xanh lá non.
Cô Hương kể rằng: Xưa kia, làng Bát Tràng và Kim Lan được gọi chung là Giang Minh. Sau khi có sông Bắc Hưng Hải chia tách thành 2 làng, Bát Tràng nhờ lợi thế địa lý nên phát triển về mặt giao thương, từ đó nhiều nghệ nhân làng Kim Lan qua Bát Tràng mở lò gốm làm ăn nên nghề làm gốm ở Kim Lan bị mai một dần. Nhưng khoảng 10 năm trước, phần đất chùa của làng bị sụt lở nên phát hiện rất nhiều cổ vật bằng gốm. Nhờ đó, sau khi nghiên cứu, làng Kim Lan đã được công nhận là làng nghề làm gốm lâu đời.
Ngày nay, làng được xây dựng khang trang hơn, dân làng Kim Lan cũng đầu tư xây lò và làm lại nghề. Lâu dần, nơi đây người dân làm nghề gốm là chính chứ không còn làm nông như trước.
Rời nhà cô chú tôi đến thăm nhà cô Giang chuyên làm ang chậu đất đỏ không tráng men. Cô Giang từng có kinh nghiệm làm việc tại lò gốm Bát Tràng với tay nghề vẽ được đánh giá cao, tuy nhiên vì mong muốn khôi phục bản sắc nghề gốm Kin Lan nên cô cùng chồng quay về làng để phát triển.
Mong muốn lớn nhất của cô là sản xuất được các mặt hàng gốm sứ tinh tế, tuy nhiên mặt hàng ang chậu vẫn là nguồn thu chính do được thị trường ưa chuộng nên cô vẫn phải sản xuất tiếp mà chưa thể chuyển mình.
Với mong ước làng nghề được phát triển, mở rộng, cũng khẳng định được tên tuổi gốm Kim Lan trên thị trường mà rất nhiều thợ giỏi như cô Hương, cô Giang, chú Tuấn,... vẫn ngày đêm nỗ lực tạo ra những sản phẩm tốt và sáng tạo hơn nữa để giúp khách hàng biết đến các sản phẩm đến từ làng nghề truyền thống Kim Lan.












