Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức

Dạo bước trên con phố Hàng Đồng, nơi từng là một trong những phường nghề tấp nập nhất chốn kinh kỳ. Nhưng ngày nay, vì sự mai một dần của nghề truyền thống gò đồng xưa, con phố dần chuyển mình để bắt kịp nhịp sống đô thị. Đây cũng là niềm trăn trở của bác Nguyễn Văn Đức - người nghệ nhân gò đồng cuối cùng của phố cổ Hà Nội.

Trong văn hóa truyền thống xưa, đồ đồng có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày cũng như các sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh. Từ chiếc mâm, cái bát, lư hương,... chất liệu đồng tạo nên những sản phẩm tinh xảo được ưa chuộng và có giá trị cao, đặc biệt khi được người nghệ nhân chăm chút từng đường nét để tôn lên những hoa văn trên sản phẩm. Nhưng ngày nay, do có sự can thiệp của máy móc, đồ đồng thủ công dần chìm vào quên lãng, chỉ còn người nghệ nhân Nguyễn Văn Đức với tình yêu nghề gò đồng hơn 40 năm nay vẫn đang cần mẫn từng ngày với hy vọng truyền lại ngọn lửa cho thế hệ trẻ.

Chuyện nghề qua những tác phẩm thủ công 

Theo chia sẻ từ chú Đức, hiện nay những sản phẩm còn duy trì để bán trên phố không được đa dạng như xưa. Phần vì đồ đồng không còn là đồ gia dụng phổ biến như xưa, một phần nữa cũng vì lý do tuổi tác, chú Đức chưa thể truyền nghề nên các sản phẩm làm ra cũng hạn chế hơn.

Từ những mảnh đồng vụn, người thợ cần nung nóng, đúc lại và dập phẳng sao cho tạo ra hình thù và hoa văn mong muốn. Để làm được sản phẩm đẹp, đạt độ hoàn thiện cao, người nghệ nhân phải tính toán tỉ mỉ từng lần gõ búa để tạo ra độ cong, hoặc mặt phẳng phù hợp. 

Điều này đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm của nghệ nhân, vì mỗi hoa văn trên từng tác phẩm lại mang sắc thái riêng trong tổng thể hòa hợp. Điều này làm nên sự khác biệt giữa sản phẩm thủ công và đồ đồng công nghiệp mang theo sự chính xác đến từng mili nhưng vô hồn.

Chính sự đặc biệt trong nghề gò đồng thủ công, nên để tạo ra sản phẩm cần rất nhiều thời gian. Như chú Đức lấy ví dụ, để tạo ra một chiếc đĩa đồng trang trí cỡ nhỏ cũng cần tốn khoảng 1 ngày với rất nhiều công sức để tạo hình sao cho đúng và đẹp đối với thợ mới. Chính vì lẽ đó, người trẻ không muốn học hoặc rất khó theo nghề lâu dài.

Giá trị trường tồn của những đồ đồng thủ công.

Những bụi đồng li ti lấp lánh bay trong không khí báo hiệu cho một sản phẩm sắp ra đời. Dưới đôi tay tỉ mẩn của chú Đức, chiếc đĩa đồng sau khi mài bóng sẽ có những đường vân liti trải đều theo từng đường cong của họa tiết. Nhờ vậy, đĩa đồng gò thủ công có nét đẹp riêng không lẫn với chất liệu khác.

Càng dùng lâu, đĩa đồng tiếp xúc với không khí, trải qua thăng trầm của thời gian, màu sản phẩm trầm xuống như một mỹ nhân ngày càng đằm thắm qua những chông gai cuộc đời. Ấy cũng là lý do vì sao đồ dùng làm bằng đồng tốt càng dùng lâu thì càng đẹp và hút mắt, đồ đồng được truyền qua nhiều thế hệ cũng là vì lẽ đó.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức với tâm huyết giữ nghề vẫn ngày ngày tỉ mẩn bên tiếng gõ búa lanh cành với đồng. Niềm mong ước lớn nhất của chú là được sống với nghề và được dạy cho lớp kế cận về nghề gò đồng thủ công. Mong rằng những giá trị đích thực của các sản phẩm gò đồng thủ công sẽ ngày càng được đón nhận để có chỗ đứng vững chắc trong đời sống hiện đại.

Previous
Previous

Nghệ nhân Học Kiều

Next
Next

Chú Quang khuôn bánh