Nghệ nhân Học Kiều

Người giữ lửa đam mê với nghề rèn truyền thống.

Với niềm đam mê giữ lửa nghề rèn truyền thống, nghệ nhân Kiều Văn Học đem hết tâm huyết của mình vào trong từng sản phẩm . Nhưng không chỉ dừng lại ở việc giữ nghề, anh là một trong những người tiên phong kết hợp giữa kỹ thuật rèn truyền thống và cải tiến theo hướng hiện đại để tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt có thể cạnh tranh với nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Anh Học hiện đang sinh sống và làm việc tại làng Hậu Lộc (Thanh Hóa) - nơi đây chính là cái nôi nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề rèn của anh từ thuở bé. Từ những năm lên 10, anh đã cùng cha quay bễ lò rèn và đến khi lên 12 anh Học đã tự tay rèn ra chiếc búa đầu tiên trong đời để tặng cha. Nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, bản thân anh Học cũng mắc bệnh thận nên việc rèn bị gác lại một thời gian rất lâu. Cho đến khi cơ may đến với anh vào năm 2016, anh như được sống lại để tiếp tục tình yêu với công việc yêu thích bên lò rèn. Hơn hết, nhờ sự hỗ trợ một phần từ máy móc, anh Học Kiều có thể tập trung hơn vào việc rèn mà không quá tốn sức.

Tác phẩm dao 3 lớp thép đầy tự hào đầu tiên

Để tạo ra những sản phẩm ưng ý nhất, nghệ nhân Học Kiều đã phải thử nghiệm rất nhiều lần và rút kinh nghiệm sau mỗi lần chưa ưng ý. Để rồi anh đã tạo ra một tác phẩm dao thái hoàn thiện đến mức chỉ dày 3.8mm nhưng được ghép từ 3 lớp thép khác nhau mà khó có thể nhìn ra các lớp nếu không phải chuyên gia. 

Anh Học tạo ra rất nhiều dòng dao phù hợp với từng nhu cầu khác nhau, có con chuyên thái, có con được tạo để chặt xương gà, xương lợn,... hoặc chặt gốc cây cứng ( riêng loại này thì thường được đặt riêng). Mỗi con dao để phù hợp với mục đích sử dụng sẽ có độ dày khác nhau nhưng điểm chung là đều áp dụng kỹ thuật ghép chồng các lớp thép đen để tạo độ sắc bén và bền bỉ cho dao.

Mỗi con dao đều do anh tự tay hoàn thiện từng công đoạn, từ làm lưỡi dao, chuôi dao đến ghép từng chi tiết,... Tất cả đều được anh tính toán rất tỉ mỉ sao cho tối ưu hóa cho người sử dụng. 

Có dịp được ngồi nói chuyện với anh Học Kiều, nghe anh chia sẻ về chuyện đời chuyện nghề. Nguồn cảm hứng đầu tiên để anh cải tiến kỹ thuật rèn truyền thống đến từ kỹ thuật làm dao Gyuto nổi tiếng. Cùng những kinh nghiệm do cha anh truyền dạy về nhiệt luyện và xếp lớp thép. Anh Học đã tạo ra được sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn: “Dao muốn sắc bén thì lưỡi phải cứng.” Điểm đặc biệt ở dao Học Kiều nằm ở phần xếp lớp với lõi trong cùng là thép vòng bi cứng và 2 lớp ngoài là thép nhíp dẻo.

Như làm dao công nghiệp, có khi chỉ trong một ngày đã làm được cả chục con dao, nhưng với nghề rèn dao thủ công lại đòi hỏi hơn thế. Từ việc tỉ mẩn nung thép, cán phôi, làm lớp thép nhíp ngoài, mài chuôi, làm khâu dao tất cả phải mất đến 4 ngày làm việc ròng rã. Anh chia sẻ với Trại Cá, chỉ riêng phần làm chuôi, mài khâu dao đã tốn của anh đến 2 ngày ngồi đẽo gọt từ gỗ Wanut ( phần chuôi) và gỗ Cẩm Lai (khâu dao).

Đam mê với nghề và mong ước được phát triển nghề rèn truyền thống Việt Nam.

Dù cho vất vả và tốn thời gian như vậy, nhưng anh Học rất yêu nghề rèn. Có lẽ tình yêu này được thừa hưởng từ cha anh - đây cũng là người thầy đã hướng dẫn từng nhát búa đầu tiên cho anh từ thời ấu thơ. 

Với cơ thể không to lớn, sức khỏe bị hạn chế bởi bệnh tật, nhưng những khó khăn đó không làm giảm đi niềm đam mê của chàng trai Học Kiều với những tiếng bễ lò rèn và âm thanh nhịp nhàng của đe đập. Vượt qua tất cả chông gai đến từ hoàn cảnh, những sản phẩm dao thái, chặt gia dụng của anh Học Kiều dần có chỗ đứng trong lòng của khách hàng gần xa.

Sau quá trình dày công thử nghiệm, những con dao anh Học làm ra có chất lượng sánh ngang dao Gyuto lên đến cả chục triệu của Nhật Bản. Và không dừng lại ở dao thép đen truyền thống, nghệ nhân Học Kiều còn tạo ra dòng dao thép không rỉ mới nhất. Với ưu điểm lớn nằm ở khả năng chống gỉ, không dễ bị oxy hóa mà chẳng cần đến các lớp sơn phủ đắt tiền. Nhờ đó, những con dao có chất lượng sánh ngang các thương hiệu nổi tiếng thế giới như dao F.Dick, dao bếp Wusthof, dao Victorinox đến từ Thụy Sĩ,...

Tuy nhiên, khó khăn của anh Kiều không chỉ nằm ở vấn đề hoàn cảnh cá nhân mà còn ở việc vận chuyển hàng hóa. Khách hàng trong nước đang là nguồn mua chính của anh vì gửi hàng trong nước chấp nhận gửi dao. Nhưng có nhiều khách nước ngoài rất mê và liên hệ với anh Học qua mạng xã hội để được mua những con dao do anh làm ra. Nhưng do vướng mắc nhiều quy định nên không thể gửi đi.

Có thể nói, do nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng vẫn ưa chuộng thương hiệu quốc tế, nên sản phẩm dao thủ công trong nước vẫn khó có thể cạnh tranh trên kệ hàng của những siêu thị hoặc hệ thống bán lẻ có tiếng tại Việt Nam. Việc làm sao để sống và phát triển nghề rèn dao truyền thống hơn nữa, vẫn luôn là nỗi trăn trở của anh Học Kiều suốt bao năm nay.

Previous
Previous

Nghệ nhân giấy Ngô Thu Huyền

Next
Next

Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức