Nghệ nhân giấy Ngô Thu Huyền
Đi vào làng trên con đường lát xi măng to rộng, nhưng rất khó để nhìn thấy một xưởng sản xuất giấy Dó nào ở ngoài đường lớn. Nhờ bạn Huyền ra đón tận nơi và dẫn chúng tôi vào con ngõ nhỏ, chúng tôi đã tìm đến nhà cũng đồng thời là nơi sản xuất giấy Dó của thương hiệu Ngô Đức.
Lớn lên cùng những tờ giấy Dó, sự kết nối của cô bé Thu Huyền bắt đầu từ những lần theo ông làm giấy từ thuở nhỏ. Không muốn tâm huyết của ông bị mai một, cô gái trẻ quyết tâm phục dựng nghề với cái tên giấy Dó Ngô Đức.
Với những đặc tính xốp nhẹ, bền dai và có độ đàn hồi cao mà chỉ có ở giấy Dó, điểm đặc biệt của loại giấy này là không bị mủn khi gặp nước và có thể lưu trữ rất lâu. Chính vì thế, giấy Dó như một cầu nối lưu giữ những nét đẹp dân gian với những bức tranh truyền thống đến những bức thư pháp, văn bản còn lưu giữ đến ngày hôm nay. Dù trong cuộc sống hiện đại, giấy Dó vẫn đóng một vai trò riêng khi nó là một loại giấy thủ công giúp phục dựng văn bản cổ, dùng để luyện calligraphy, vẽ tranh, làm đồ thủ công,...
Theo sự chỉ dẫn của Huyền, chúng tôi được tận mắt hiểu về quy trình làm giấy. Đầu tiên phải lột sạch phần cứng của vỏ cây Dó rồi đem đi phơi thật khô để tránh ẩm mốc. Rồi cần đem nó đi ngâm trong nước từ 2 - 3 ngày cho vỏ Dó đạt độ mềm cần thiết. Đến công đoạn nấu vỏ Dó, người ta sẽ bó nhỏ từng túm, đem ngâm nước vôi đặc rồi đun sủi liên tục trong 10 tiếng và ủ cho vỏ nguội mới đem đi rửa sạch. Tiếp đến, phần vỏ Dó này sẽ được nhặt qua 2 lần để phân loại và bỏ đi phần vỏ đen còn sót lại. Nhặt xong lại đem đi ngâm trong 7 - 10 ngày để giúp giấy mềm mịn, óng ả.
Sau khi ngâm mềm, vỏ Dó được cho vào bể nghiền thành bột. Bột Dó được hòa kỹ cùng nước sạch và nước gỗ mò trong bể tráng giấy. Phần tráng giấy sẽ quyết định độ dày - mỏng - mịn của tờ giấy, bước này là phần mà cả team Trại Cá được thử sức để xem độ khéo léo. Dù đã được cô thợ cầm tay chỉ việc nhưng rất tiếc chúng tôi không thể làm ra một tờ giấy đạt tiêu chuẩn nào.Còn với những người thợ ở xưởng Ngô Đức, họ đã quá quen tay để múc, tráng sao cho giấy ra đẹp nhất theo yêu cầu.
Sau khi giấy được tráng thành đống, sẽ được đưa vào đốn ép bớt nước để có thể bóc từng lớp rồi đem phơi khô. Từng bước đều được làm rất cẩn thận và tỉ mỉ bằng đôi tay khéo léo của thợ. Huyền chia sẻ, ngày nay nhờ có máy móc hỗ trợ, việc làm giấy đã đỡ phần vất vả hơn xưa. Nhưng nhìn những đôi tay thành thục tráng giấy, bóc giấy, chúng tôi hiểu rằng, để có những sản phẩm tốt nhất thì vẫn cần dựa vào sự khéo léo và kinh nghiệm của những người thợ lành nghề nơi đây.
Bật mí với mọi người, sản phẩm giấy Dó Ngô Đức năm nay sẽ có một phiên bản đặc biệt chỉ có tại Trại Cá. Với sự kết hợp của sợi tơ Dó đẹp nhất cùng chỉ kim tuyến lấp lánh tạo nên một phiên bản do Huyền làm riêng cho Trại Cá.













