Chú Quang khuôn bánh
Như bao nghề truyền thống khác tại Hà Thành, thời vàng son đã qua để lại nhưng người nghệ nhân với tình yêu nghề chỉ còn nép mình giữa chốn đô thị. Trên con phố Hàng Quạt, cũng có một nghệ nhân như vậy, chú Phạm Văn Quang với hơn 40 năm kinh nghiệm gắn bó với nghề khắc khuôn bánh, khuôn xôi thủ công.
Ngôi nhà số 59 Hàng Quạt với nét rêu phong cũ kỹ đậm chất Hà Nội xưa nhưng chỉ cần nhìn thôi ta có thể thấy tài hoa của một người nghệ nhân của nghề khắc khuôn thủ công. Chú Quang năm nay số tuổi cũng đã cao nhưng đôi tay khéo léo cùng con mắt tinh tường của một người thợ dày dặn kinh nghiệm thì chưa bao giờ mệt mỏi. Nhìn chú say mê khắc từng đường nét trên tấm gỗ mộc để tạo ra một chiếc khuôn bánh tinh xảo bạn sẽ không thể rời mắt được.
Chuyện nghề và chuyện đời xung quanh chiếc khuôn thủ công.
Từ một người lính cụ Hồ, chú Quang trở về Hà Nội và tiếp nối tình yêu nghề truyền thống của quê cha đất tổ. Đến nay đã hơn 40 năm, nghệ nhân Quang vẫn cặm cụi bám nghề khắc khuôn thủ công luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mẩn để tạo ra sản phẩm hoàn mỹ.
Tâm sự với Trại Cá vào những ngày thưa khách, chú Quang pha một ấm trà và ngồi kể cho chúng tôi nghe về thức quà bánh đặc trưng mỗi dịp Trung Thu của người Hà Nội xưa.: “ Ngày trước, bánh nướng, bánh dẻo không được bán rộng rãi như ngày nay, người ta phải làm tay từng bước, bánh đúng chuẩn phải sắc nét họa tiết, không được thắt eo, vỏ bánh mềm, tươm dầu vừa, vị ngọt nhẹ, ăn không khô. Không được quá dày cũng không được quá mỏng. Nhân mềm, sên vừa tới độ, ngọt mà không ngấy, nếu là bánh nhân thập cẩm thì phải mặn ngọt cân bằng, có vị thơm của lá chanh, lạp xưởng và độ ngậy của mứt mỡ, độ giòn của mứt bí,... Bánh dẻo cũng phải mềm mà đứng bánh, hoa văn phải rõ ràng, nhân có độ ngọt cân bằng với vỏ. Chính vì lẽ đó, yếu tố khuôn bánh rất quan trọng để cho ra ngoại hình đẹp. Bánh có đẹp thì người ta mới ưng, bánh Trung Thu xưa là thức quà xa xỉ mà người ta trân trọng mang về bày lên bàn thờ tổ tiên mỗi khi về quê đoàn viên với gia đình, họ hàng…”
Ngày nay, bánh Trung Thu có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, những chiếc khuôn gỗ xưa không còn được ưa chuộng bằng các khuôn được sản xuất công nghiệp với giá thành rẻ và thời gian làm nhanh, không tốn sức. Nhưng chiếc khuôn gỗ mộc khắc tay của nghệ nhân Phạm Văn Quang luôn là một tác phẩm nghệ thuật truyền thống có sức hút rất riêng.
Hàng trăm chiếc khuôn được làm ra nhưng mỗi cái một vẻ, một sắc thái riêng biệt. Có khi cũng là hình mẫu đó những độ nông sâu khác nhau sẽ mang đến hiệu ứng khác biệt. Đấy là lý do chỉ có đôi tay dày dặn kinh nghiệm mới khắc ra được những chiếc khuôn có hồn.
Chú Quang chia sẻ thêm, để tạo ra khuôn bánh cũng cần phải chọn gỗ phù hợp. Những loại gỗ có tính dẻo, dai để khi làm bánh, hoa văn lên rõ ràng, đường nét vững chắc, khi gõ bánh ra khỏi khuôn thì bề mặt phải mịn. Để đáp ứng tốt nhất những tiêu chí ấy, cứ phải là gỗ Thị và gỗ Xà Cừ thì mới hoàn hảo.
Trăn trở của người thợ làm khuôn thủ công cuối cùng.
Ngày nay, người ta ít đặt khuôn làm bánh Trung Thu hơn, vậy nên để sống được với nghề, chú Quang còn nhận đúc khuôn có tên hoặc logo được thiết kế theo yêu cầu. Trên con phố đông đúc, những khách du lịch cả trong và ngoài nước vẫn tìm đến chú để được tận mắt nhìn và mua được những con dấu in được khắc thủ công bằng tay. Nhìn nụ cười và sự hài lòng của khách hàng khi tìm đến mình cũng giúp nghệ nhân Quang gắn bó lâu dài với nghề.
Nhưng vì đặc thù cần sự cẩn thận và tỉ mỉ, mỗi sản phẩm hoàn thành mất công sức mà theo như chú nói: “ Công làm một chiếc khuôn chỉ 1 đồng, nhưng thêm sự sáng tạo vào giá trị có thể thành 10 đồng”. Việc truyền nghề vẫn luôn là điều khó khăn với đại đa số nghề truyền thống hiện nay. Ánh mắt chan chứa tình cảm của chú mỗi khi nhìn những chiếc khuôn gỗ truyền thống cũng luôn đau đáu về nỗi lo lắng rằng nếu ngày mai chú không còn cầm đồ nghề được nữa.
Trại Cá tin rằng với tình yêu của các bạn trẻ hiện nay dành cho nghề thủ công truyền thống của dân tộc, rồi chúng ta sẽ có một lớp người mới yêu hơn và đủ quyết tâm phát triển nghề điêu khắc khuôn gỗ truyền thống trong tương lai.