Chú Kỳ làm đèn cù

Tiếng cười nói bên những chiếc đèn lồng con thỏ với màu sắc xanh đỏ truyền thống như một ký ức đẹp về ngày Trung Thu. Ngày nay, những chiếc đèn lồng truyền thống như lui về sau nhường chỗ cho nhiều món đồ chơi hiện đại. Thì ở làng Hạ Thái vẫn còn một người nghệ nhân cần mẫn làm từng chiếc đèn cù thủ công với mong muốn mang đến tiếng cười cho trẻ nhỏ nhân dịp Tết Trung Thu.

Ở ngôi làng Hạ Thái không ai không biết về bác Kỳ - một người đã gắn bó với nghề làm đèn Cù, đèn lồng thỏ truyền thống. Có thể nói, bác Kỳ là người cuối cùng giữ nghề này ở làng, Với đặc thù sản phẩm tinh xảo nên đòi hỏi người làm nghề phải có sự khéo tay, kiên nhẫn và cẩn thận mới cho ra được những sản phẩm hoàn thiện có chất lượng cao. Chính vì thế cứ đến mùa cao điểm, bác Kỳ có khi phải thức cả đêm để làm, người nhà có hỗ trợ thì cũng chỉ ở các bước nhỏ, bác vẫn phải là người hoàn thiện sản phẩm chính. Vì lẽ đó, bác hay đùa rằng: “ Công việc này lấy công làm lời!”

Cùng bác Kỳ tâm sự về chiếc đèn cù truyền thống.

Khi mới lên 9, bác Kỳ đã bắt đầu vót đay, dán những chiếc đèn đầu tiên. Đến nay đã hơn 50 năm kinh nghiệm, bác Kỳ làm những chiếc đèn thoăn thoắt không ngơi tay chỉ mong sao kịp dịp lễ Tết. 

Nguyên liệu chủ yếu để làm ra đèn lồng là Đay. Theo như bác Kỳ kể, ngày xưa Đay mọc đầy 2 bên sông, bây giờ thì không còn nữa nên nhà bác phải tự trồng xen kẽ với ruộng lúa. Loại Đay này chỉ thu hoạch 1 lần vào cuối năm thì mới được cây già và chắc đủ để làm đèn. 

Trồng Đay không dễ nhưng không có Đay thì không thành đèn. Mỗi phần trên cây Đay lại trở thành một bộ phận khác trên 1 cây đèn cù, đèn lồng thỏ. Với phần thân dài thẳng mập thì làm đèn cù, phần ngọn mảnh hơn làm đèn thỏ. Đay được tước vỏ riêng, phần vỏ này tận dụng làm dây buộc hàng, vừa tiết kiệm lại dai dẻo, khó đứt. Thân đay được cưa ra, luộc trong nước vôi cho trắng lại chống mối mọt rồi đem phơi khô. Các công đoạn phải xong  trước tháng 2 âm lịch vì thời điểm này bắt đầu tiết nồm ẩm đặc trưng của miền Bắc.

Còn phần thanh tre nứa, bác Kỳ đặt tận Hòa Bình vì chất lượng tre nứa ở đây rất phù hợp, giá thành vừa phải. Tận tay bác vót sao cho hợp rồi dán hồ lên. Phần hồ dán được làm từ bột sắn hoặc bột nếp quấy lên, nghe thì đơn giản và lại tốt hơn bất cứ loại hồ công nghiệp nào.

Vậy là chỉ cần cắt giấy bóng kính và dán lên sao cho khéo để ra hình dạng. Nghệ nhân Đỗ Văn Kỳ nhấn mạnh, giấy bóng kính này không phải nilon, vì nilon mặt trơn không ăn được hồ. Giấy bóng kính có điểm khác biệt lớn nằm ở độ căng cùng tùy nhiệt độ và độ ẩm, tạo nên cái hay của đèn khi thắp sáng lên, điều này thì không có loại nilon nào làm được.

Trăn trở chuyện truyền nghề cho lớp trẻ

Nghề này chỉ làm lúc nông nhàn và cũng chỉ có bà Kỳ còn tình yêu với niềm vui của trẻ thơ nên vẫn cố giữ nghề. Vì cuộc sống hiện đại, trẻ em có nhiều lựa chọn đồ chơi hơn, thị trường tiêu thụ mặt hàng đèn lồng truyền thống thu hẹp lại rất nhiều.

Chưa kể để làm được chiếc đèn theo lối truyền thống rất tốn thời gian lại cần kinh nghiệm để làm ra sản phẩm đẹp. Nên con cái bác Kỳ dù vẫn giúp cha nhưng không ai muốn học và theo nghề này cả.

Chưa kể đến việc vận chuyển đèn lồng cũng rất khó, vì đèn cồng kềnh, thuê ô tô thì không đủ khả năng chi trả. Nên bác thường phải chuyển hàng lên phố bằng xe máy, chịu khó đi đêm để tránh tắc đường và cũng tránh bị phạt trên đường di chuyển. 

Khó khăn trùng trùng là thế, nhưng người nghệ nhân vẫn thoăn thoắt làm từng chiếc đèn và vững tin rằng ngày nào vẫn còn có người yêu thích thì bác vẫn sẽ tiếp tục làm.

Previous
Previous

Chú Quang khuôn bánh

Next
Next

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền