Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền
Có lẽ đèn kéo quân chỉ còn tồn tại trong ký ức của bậc cha mẹ, ông bà hoặc sót lại cùng với thơ văn mà bạn từng đọc. Nhưng với bác Quyền, người mang tình yêu với những chiếc đèn kéo quân từ thuở thơ bé thì chiếc đèn vẫn luôn là một phần của cuộc đời.
Việc làm đèn kéo quân này có từ lúc nào thì bác Quyền không rõ, chỉ biết từ thời ông nội của bác đã làm đèn kéo quân rồi. Với người nghệ nhân lớn tuổi đồ chơi dân gian như đèn kéo quân mang ý nghĩa giáo dục về đạo nghĩa làm người, biết trọng chữ hiếu, tôn kính người trên, yêu thương kẻ yếu. Vậy nên việc làm đèn như một cách dạy trẻ nên người từ những điều nhỏ nhất.
Bác Quyền kể cho chúng tôi nghe sự tích về đèn kéo quân được lưu truyền trong làng như sau:
“Ngày xưa, có một người con hiếu thảo tên Lục Thức. Vì cha mất sớm nên Lục Thức đã làm lụng vất vả để nuôi dưỡng mẹ già. Lo rằng mẹ ở nhà một mình dễ buồn tủi, Lục Thức đã tự tay làm ra 1 chiếc đèn kỳ lạ, bên trong dán nhiều hình người đang múa. Khi thắp sáng, bóng hình người chiều lên vách và xoay tròn rất vui mắt. Trẻ em cùng làng đi qua thấy đèn lạ liền vào chơi với mẹ Lục Thức, từ đó cũng giúp chàng có thể yên tâm đi làm mà không sợ mẹ phải cô đơn…”.
Đèn kéo quân và tình yêu của người nghệ nhân với truyền thống văn hóa dân tộc.
Theo như bác Quyền, việc làm đèn kéo quân không phải là nghề kiếm sống mà chỉ làm lúc nông nhàn. Trong làng ngày trước cũng có những người khác cùng làm đèn nhưng chưa bao giờ việc làm đèn kéo quân được coi như nghề chính của làng. Nhưng vì những chiếc đèn kéo quân do bác Quyền làm ra rất tinh xảo nên người nơi khác biết tiếng mà tìm đến mua. Từ đó, bác Quyền thường làm đèn vào mỗi dịp lễ tết để thêm thu nhập từ niềm đam mê.
Đèn kéo quân là một loại đồ chơi truyền thống bằng giấy dán vào khung tre, khi thắp nến lên thì những hình nhân được gắn bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn như rối bóng và xoay vòng theo cùng một chiều liên tục. Mặt ngoài của đèn được dán giấy bóng kính, giấy can hoặc có thể bằng vải mỏng. Ðể nhiều hình phong phú, người nghệ nhân sẽ lồng và cắt dán nhiều tầng ( thường là 4 - 5 tầng ).
Thiết kế của đèn kéo quân cũng có ý nghĩa riêng, như bác Quyền chia sẻ: “Đèn kéo quân có 2 loại: 4 cạnh và 6 cạnh, được làm với ý nghĩa khác nhau. Đèn 4 cạnh là quan niệm “tứ thân phụ mẫu”, tức là có nghĩa hiếu với bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng/vợ. Còn đèn 6 cạnh mang ý nghĩa rộng hơn gồm “lục thân phụ mẫu”, tức là ngoài việc thờ phụng bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng/ vợ thì còn thờ phụng với người đã nuôi nấng mình thành người.
Bác Quyền vừa làm, vừa chia sẻ với chúng tôi một cách đầy hào hứng về ý nghĩa sâu xa của những chiếc đèn kéo quân truyền thống.Bác mong rằng dù sau này không còn ai làm đèn nữa thì những bài học nhân sinh của cha ông vẫn được lưu truyền.
Người nghệ nhân lưu truyền và phát triển văn hóa dân tộc
Đèn kéo quân được tạo ra bởi người thích chơi đèn nên không có khuôn mẫu cố định cho sản phẩm. Đèn có thể tùy tay người làm mà to, nhỏ khác nhau. Người nghệ nhân có thể làm bằng giấy dó, hoặc giấy bóng kính tùy yêu thích. Mẫu mã cũng được sáng tạo dựa vào cảm hứng của người làm.
Bác Quyền tự hào khoe với chúng tôi về 2 cải tiến kỹ thuật làm đèn do chính bác sáng tạo: Hồi 2007, bác cải tiến thành 6 miếng tam giác ghép lại thành 2 hình lục lăng trên dưới để thành khung. Còn gần đây, với khung tre xoay bác đã làm sao cho có thể gập phẳng được, để giảm thiểu sự cồng kềnh khi vận chuyển đi nơi khác.
Dù hiện nay trên thị trường, đồ chơi cho trẻ em rất đa dạng nhưng những chiếc đèn kéo quân truyền thống do chính tay nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền làm ra có một sức hút riêng không lẫn với bất cứ điều gì khác. Đèn kéo quân không ồn ào, náo động, nó là một thứ đồ chơi với mong muốn gắn kết tình cảm gia đình và mang đến những giờ phút vui vẻ khó quên cho trẻ cùng cha mẹ, bạn bè.
Với mong muốn truyền nghề cho thế hệ trẻ,bác Quyền thường tổ chức các buổi dạy làm đèn cho trẻ em/ sinh viên ở bảo tàng Dân tộc Học ( Hà Nội). Mong rằng trong tương lai những chiếc đèn kéo quân sẽ có chỗ đứng vững chắc trong ký ức tuổi thơ của mọi trẻ em để nghề làm đèn sẽ luôn được lưu giữ và phát triển.






