Làng thêu Quất Động
Đi từ đường quốc lộ 1A có thể thấy rất nhiều biển hiệu Tranh thêu tay với tên làng Quất Động. Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km, team Trại Cá tìm về ngôi làng để tìm hiểu về nghề thêu truyền thống tại nơi đây.
Đi vào làng trên con đường được rải nhựa thoáng mát, nhưng trong làng lại không có nhiều bảng hiệu chỉ dẫn vậy nên chúng tôi quyết định đi dạo quanh làng một vòng để tham quan. May quá khi đi qua 1 ngôi nhà nhỏ thì thấy 1 chị đang ngồi thêu, sau khi hỏi thăm mới hay chị tên là Hằng cùng bác Phạm Thị Lệ đều là thợ thêu chuyên nhận hàng về nhà để làm. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề thêu của làng, bác giới thiệu Trại Cá với bà Bùi Thị Khá - một nghệ nhân thêu rất cao tuổi trong làng để nói chuyện với chúng tôi.
Theo bà Khá và bác Lệ kể lại: “cụ tổ nghề có công học nghề thêu từ Trung Quốc và đem về làng chỉ dạy cho người dân, từ đó giúp làng có 1 nghề mang lại thu nhập tốt để cải thiện đời sống. Dân làng Quất Động coi việc được học nghề và làm nghề là một vinh hạnh lớn và luôn nhớ ơn ông tổ của làng.”
Bà Khá tâm sự với chúng tôi: “Nghề thêu là 1 nghề đòi hỏi độ tập trung cao, lâu dần sẽ đau mắt, hại đốt sống lưng, và dễ gây đau phần cổ vai gáy. Tuy nhiên, nghề này được ngồi trong nhà, không phải làm việc ngoài trời, lại có thể làm lúc rảnh rỗi nên có thể kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn giúp cải thiện đời sống.”
Bác Lệ trải lòng với Trại Cá về mong muốn sáng tạo những sản phẩm thêu thùa được thị trường đón nhận để phát triển nghề tổ, tạo công ăn việc làm cho bà con trong làng. Vì muốn duy trì tình yêu nghề thì người thợ cần sống được với nghề và phát triển hơn nữa chứ không thể dậm chân tại chỗ được.
Chuyến du hành Quất Động lần này của Trại Cá còn may mắn hơn khi được gặp cô Hoàng Thị Khương - một nghệ nhân thêu nổi tiếng khác của làng. Cô Khương có một cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Cô giữ khá nhiều bức tranh thêu mà cô tâm đắc. Các bức tranh thêu phong cảnh rất đẹp và có hồn do chính cô quan sát tỉ mỉ sau đó truyền tải lên tranh.
Mơ ước của cô Khương là sẽ mở được 1 phòng tranh cá nhân để lưu giữ các bức tranh thêu có giá trị. Đồng thời, cô cũng mong được mở rộng và truyền nghề được cho nhiều người hơn. Có thể nói, khi tâm sự với cô, Trại Cá hiểu hơn về những khó khăn của người thợ thêu khi theo đuổi ngành nghề thủ công truyền thống này.




